VĂN HIẾN VÂN CHÀNG

 

   Theo truyền khẩu làng Vân Chàng ( Nhà Chàng ) có từ thời Lý (1009–1225). Cư dân Vân Chàng trước đây sống dọc theo bờ sông Đò Trai ( Sông Bán Thúy ) nên có tên là làng Giới. Trong chiến tranh chống quân Minh và đặc biệt chiến tranh Trịnh Nguyễn 1627-1672 Vân Chàng là bãi chiến trường. Dân ly tán tránh binh đao. Sau khi chiến tranh Trịnh Nguyễn chấm dứt

( Khoảng 1672 ) dân Vân Chàng quay về nhưng sống tập trung ở gần Đền Nhà Thánh, gọi là Làng Chạn vì thời đó chưa có đê La Giang, quanh năm lụt lội nên  dân Vân Chàng nhà nào cũng có cái Chạn để phòng khi nước lụt. Sau này do Làng Chạn không có nước sinh hoạt dân lại quay về dọc sông Đò Trai hình thành nên làng Vân Chàng bây giờ.

    Theo sách Địa chí huyện Can Lộc xuất bản 1999, từ khi thành lập làng Vân Chàng thuộc huyện Hà Hoàng đất Hoan Châu. Đời Trần đổi thành huyện Phỉ Lộc thuộc Nghệ An phủ. Năm 1469 Vua Lê Thánh Tông đặt tên là  huyện Thiên Lộc, đến nay 2020 là 550 năm. Lúc đó huyện Thiên Lộc có 27 xã thuộc phủ Đức Quangxứ Nghệ An. Đến thời nhà Nguyễn, năm Tự Đức thứ 15 (1862) huyện Thiên Lộc đổi thành huyện Can Lộc. Năm 1948 Vân Chàng mới cắt về huyện Đức Thọ.

     Theo tài liệu nghiên cứu của Cụ Thái Kim Đỉnh, thời Lý Trần Nhà Chàng là đất nông nghiệp - thủ công nghiệp trù phú, nằm giữa hai làng đất học là Yên Hồ và Ngọc Sơn nên cũng là đất văn vật. Nhà Hậu Trần của Trần Quí Khoáng lui về đóng đô tại Yên Hồ chống quân Minh từ 1409 đến 1413, Vân Chàng là đại bản doanh và nơi luyện quân của tướng Đặng Dung.  

    Năm 1870 làng Vân Chàng  có bài vè :

  • Đất Vân Chàng đại địa.
  • Gẫm tả hữu đôi bên.
  • Chữ phú quí lưu truyền.
  • Nhờ tiền nhân ngày trước.
  • Nhờ cựu triều ngày trước.
  • Ơn Vua lộc nước.
  • Đất văn vật hữu dư….

    Tuy không có người đỗ đại khoa nhưng làng Vân Chàng có ba vị đỗ Cử Nhân thời Nguyễn. Cụ Lê Lai Yến đỗ 1870 làm quan đến tri huyện phong doanh. Cụ Phan Gia Tĩnh đỗ cử nhân năm 1888. Cụ Nguyễn Trọng Tương đỗ cử nhân 1894, làm quan đến Chưởng Ấn Ngự Sử, Quang Lộc tự thiếu khanh, hàng tứ phẩm triều đình.

   Những năm 1930 thời Pháp thuộc, huyện Can Lộc có 14 trường học công thì trường công của tổng Trung Lương là trường Trung Ngọc đóng tại làng Vân Chàng…Sau cách mạng 1945 con em Vân Chàng nhiều người đỗ đạt cao, trở thành các trí thức giúp ích nhiều cho quê hương và đất nước..

  

   

scrolltop