Đền Thánh Sư thợ rèn Vân Chàng Hồng Lĩnh

 

Theo truyền thuyết  Tổ Sư nghề rèn Vân Chàng Hồng Lĩnh là "Không Lộ Giác Hải Đại pháp thánh sư đa năng, đa nghệ công nghiệp dã tượng - Húy Ông Đùng - Gia Hội quang úy tôn thần ». Ông là một người từng làm thầy pháp trong chùa, một người thầy thuốc, là ông tổ nghề rèn - người dạy dân làm nghề.

Từ khi lập làng người dân Vân Chàng Hồng Lĩnh đã xây đền thờ ngài trong khuôn viên cạnh đình làng ở xóm 3 Thuận Hoà bây giờ. Đền cũ nhìn về hướng  Nam. Sau này cả đền và đình làng đều bị phá dỡ do xuống cấp. Đền thờ Thánh Sư thợ rèn chuyển về xóm Tam Đa ( xóm 5 ) như vị trí bây giờ. Trước đây theo lệ cũ trong Thần Phả làng qui định ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch làng tổ chức tế Thánh Sư Thợ Rèn và cũng là hội làng  Vân Chàng     ( Bây giờ chuyển sang ngày mồng bảy tháng giêng âm lịch lễ khai hạ ).

Đền thờ thánh Sư Thợ rèn gồm Nghi Môn, Hạ Điện và Thượng Điện. Nội thất trong thượng điện được chia làm ba gian thờ, mỗi gian thờ một dòng:
- Gian giữa:  Thờ Không Lộ Giác Hải Đại pháp thiền sư. Phía trên tường là bức đại tự đề ba chữ: “Đức – Lưu- Quang” bằng chữ Hán, hai bên có hai câu đối: Thánh sư hương hỏa thiên thu tại. Võ miếu anh linh bách nghệ truyền.

Tạm dịch: Đền Thánh sư là đất hương hỏa ngàn năm. Võ miếu linh thiêng truyền trăm nghề.

- Gian trái: Thờ lục vị tổ sư nghề rèn : Sáu người thợ giỏi của Vân Chàng Hồng Lĩnh có công truyền nghề ra Nam Giang  Nam Định và lập lên một làng rèn mới cũng có tên là Vân Chàng. Sáu Vị đó là : Phạm Nguyệt, Từ Cung, Từ Hậu, Đỗ Bào, Nguyễn Nga, Nguyễn Thuận. Ở gian này đặt một hương án hai cấp và trên hương án có đặt bản photo sắc phong do vua Khải Định ban cho lục vị tổ sư.

- Gian phải:  Thờ hai Cụ Đậu Trọng Hòa, Đậu Trọng Huỳnh là hai cha con và hai thợ rèn Vân Chàng giỏi, tham gia phong trào Văn Thân và Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

scrolltop