THÀNH HOÀNG LÀNG VÂN CHÀNG HỒNG LĨNH



Theo Thần Phả đền Hai Giáp, Thành Hoàng làng Vân Chàng Hồng Lĩnh được thờ tại ba nơi. Tại đền Năm Giáp ở xóm Miếu ( Hiện đã bị cắt sang phường Trung Lương ) thờ Bảo Trấn Tĩnh An đôn hậu trác vỹ dực bảo trung hưng Cao Các Trà Sơn thượng đẳng linh thần. Tại Trung Miếu ( Đền trửa ) thờ Linh Cách đôn tĩnh phu hữu dực bảo trung hưng Cao Các Trà Sơn thượng đẳng linh thần. Tại đền Hai Làng xóm Chùa Kênh thờ Cảm Cách đôn tĩnh phu hữu dực bảo trung hưng Cao Các Trà Sơn thượng đẳng linh thần. Đến các kỳ tế lễ dân làng rước Long Ngai và Bài Vị Thành Hoàng từ đền Hai Làng và đền Năm Giáp về Trung Miếu và cùng rước về Đình bảy gian của làng để tế.
Cao Sơn Cao Các là vị thần được thờ phụng nhiều nơi từ nam chí bắc ở Việt Nam.
Tại kinh thành Thăng Long: Cao Sơn đại vương được tôn làm thần Trấn Nam kinh thành, đền chính là đền phường Kim Liên vì Cao Biền là người đã khởi dựng thành Đại La.
Khu vực Thường Tín Hà Nội: với hội 7 làng của tổng Hà Hồi thờ Cao Sơn đại vương, đến chính ở xã Phương Quế, là nơi Cao Biền lập trang ấp, công đức cho nhân dân.
Ninh Bình: Cao Sơn đại vương cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn. Đây là nơi ông lập gia đình (lấy vợ) ở Phụng Hóa (Nho Quan).
Nghệ An: với thành tích khai thông kênh Sắt và đánh quân Nam Chiếu (Chiêm Thành) Cao Biền được tôn thờ rộng rãi dưới tên Cao Sơn Cao Các.
Những nơi khác ở miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Khánh Hòa....nam trung bộ đều có các nơi thờ Cao Sơn Cao Các.
Cao Sơn Cao Các cũng là một trong những vị thần lâu đời và phổ biến nhất của xứ Nghệ. Theo sách Địa chí văn hóa Hưng Nguyên thì chỉ riêng ở huyện Hưng Nguyên trong 109 xã, thôn ở đây có trên dưới 40 xã thôn thờ Cao Sơn Cao Các. Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao đã trích dẫn bản khai thần tích của xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lộc (nay thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương – thị xã Cửa Lò và xã Nghi Thạch – huyện Nghi Lộc) của cử nhân Hoàng Thúc Lang vào đời Minh Mệnh như sau: “Nay phụng sát những nơi thờ Cao Sơn Cao Các là 335 nơi, trong đó đã phong thần là 322 nơi, chưa phong là 113 nơi.”
Là một vị thần được thờ phổ biến như vậy ở xứ Nghệ nhưng Cao Sơn Cao Các là ai, là 2 hay 1 nhân vật thì còn chưa rõ. Có ý kiến cho rằng Cao Sơn Cao Các là hai anh em ở Thanh Hóa, có công với nước nên khi mất được phong thần. Nhiều Thần Phả làng lại viết rằng Cao Sơn tên chính thức là Cao Hiển, là vị Tiến sỹ người Trung Quốc sang Việt Nam làm quan cai trị. Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn là vị quan có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân bản xứ. Xây dựng mối bang giao hòa bình tốt đẹp giữa hai nước An Nam. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Khi ông mất vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ.
Hiện nay các nhà nghiên cứu đang nghiêng về giả thuyết Cao Sơn Cao Các chính là Cao Biền. Cao Biền người phương Bắc, từng đỗ đạt và làm quan to dưới thời Đường. Cao Biền được cử sang nước ta trấn thủ An Nam để dẹp loạn Nam Chiếu. Sau khi đánh Nam Chiếu thắng lợi, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và Cao Biền nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ đầu tiên. Sự tôn thờ Cao Biền ở xứ Nghệ là do ông đã có công khai thông đường thủy ở khu vực Diễn Châu khi làm kênh Thiên Uy hay Kênh Sắt tại đây. Ở đây vẫn còn lưu được bia Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Cao Biền soạn.

 

scrolltop