Đồng ruộng quê mình rộng mênh mông, có lắm vùng cồn dăm chôn người chết từ nhiều đời nay. Nào dăm Đùng Đùng, dăm Đạy, dăm Chạ, dăm De, dăm Trảo, dăm Eo Lói, dăm Ba Đại, dăm Cổ Ngựa rồi Cồn Vang v.v.. Lên xa nữa, gần xóm Bình Lãng là dăm Nậy, gần hơn một tí có dăm Con Cá, nơi đó có một hòn đá cọi khá to. Chẳng biết ai đã chôn hòn đá cọi này từ bao giờ, chỉ biết nó đã đứng đó lâu lắm rồi. Hòn đá cọi đáng quý ở chỗ là nó đã tạo cho con người một thuận lợi, mỗi khi nhìn vào đó ai cũng sẽ căn được và nhận ra ngay ruộng nhà mình nằm ở vị trí nào để đến, nhất là vào vụ cày cấy. Còn cái dăm được đặt tên là dăm Con Cá vì một lẽ hình thù của nó cũng dài dài như một con cá khổng lồ đang nằm phơi mình giữa cánh đồng rộng đến mênh mông và bằng phẳng. Chưa hết, phía Bắc cánh đồng còn có dăm Trọt Nghiên, dăm Nhà Ngoi, rồi dăm Tri Phủ. Riêng dăm Tri Phủ là nơi táng phần mộ của hai cụ Tổ lâu đời thuộc giòng họ Nguyễn nhà mình. Ông bà cụ Tổ khi còn sống làm đến quan Tri phủ nên khi các cụ qua đời cồn dăm này được bàn dân trong làng trong tổng đặt luôn cho tên gọi chức quan của các cụ luôn. Đến năm 1964, khi có chủ trương quy tập, hai ngôi mộ lớn này đã được con cháu trong giòng họ rước về táng ở nghĩa trang Ba Đại. Xuyên qua giữa cánh đồng quê mình, duy nhất chỉ có mỗi một con đường đi ra đồng làm ruộng, đó là con đường đất rộng chỉ hơn một mét nối từ làng Vân Chàng đi Ngọc Sơn. Dân quê mình đã quen gọi con đường đó là đường Cầu Mai, vì khúc giữa có cái Cầu Mai. Con đường này ngày xưa dân làng làm ăn đi lại vất vả lắm, nhất là về mùa đông, thôi thì khỏi nói, nào lầy lội, trơn trượt, trâu bò bước xéo nhiều nên hằn thành bậc thang suốt cả một tuyến dài, gặp trời mưa dẫu mười ngón chân đã cố bấm chặt vào mặt đường nhưng vẫn cứ bị trượt ngã lăn chiêng, lấm láp hết quần áo. Nằm trên dọc tuyến đường này cũng có những cái tên rất đỗi thân thuộc và đáng nhớ như cái cầu Mai được bắc chỉ bằng duy nhất một tảng đá to tướng. Về mùa mưa, nước từ khắp các ngã cánh đồng đổ về nơi thấp trủng bao quanh chiếc cầu này, cuốn theo thật nhiều những loài cá mú như cá diếc, cá rô, cá tràu, hoặc tôm tép v.v..Và người ta lại được dịp mang các dụng cụ đánh bắt cá như vó, lưới, nơm, nhủi đến đứng hai bên cầu tạo ra một khung cảnh sinh hoạt thật nhộn nhịp. Đi lên một quảng nữa, nằm sát bên đường qua lại, từ lâu đã có một ngôi mộ ai đó mà trông to tướng? Nghe đồn ngôi mộ này là mộ của một ông ăn mày. Ông ăn mày nằm dưới mộ tên là gì và người ở đâu thì trong làng cũng chẳng ai biết cả. Chỉ biết là ngôi mộ này người ta cảm thấy như cứ càng ngày càng to ra và cao lên, bởi lẽ ai ai đi qua nhìn cũng đều thương cảm và họ tự nhặt đất đá xung quanh đắp thêm vào cho người xấu số. Gần làng Ngọc Sơn thì có cây cầu Đập Trâm được bắc qua vùng đầm hồ bằng một tấm sắt chữ Y khá to, dài trên 5 mét, có chiều rộng người và trâu bò đi lại dễ dàng. Sát chân cầu có mấy bụi tre và mấy cây mưng mọc lên xanh tốt, chúng luôn tạo bóng râm im mát cho người đi làm đồng về tạm nghỉ ngơi và xuống chân cầu để rửa ráy. Dãy đầm ao nằm rải rác bên cầu Đập Trâm rất lắm cá, nhiều nhất là cá tràu, cá rô, cá diếc, lươn, chạch v.v.. thậm chí có cả cá gáy (tức cá chép). Hàng năm, cứ đến mùa lũ, khoảng cuối hạ sang thu, khi những đợt mưa giông bắt đầu trút xuống, cá được dịp sinh sôi nảy nở rất nhanh. Những dịp này mình thường mang vó đi cất cá ở cầu Mai và cầu Đập Trâm, nhiều hôm cất được những con cá tràu, cá rô thật to, bà nội mình vui lắm. Nghe nói tại cây cầu Đập Trâm này trước đây đã từng có người bị chết đuối nên ai đi qua đó vào giữa trưa tròn bóng hay ban đêm vẫn có cảm giác sờ sợ. Trước đây, đồng ruộng quê mình mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, đó là vụ chiêm xuân, còn vụ mùa thì chỉ cấy được mấy thửa nằm sát gần làng, cạnh mấy cái ao rìa xóm hay mép sông mới có nước, số còn lại chỉ biết để vậy chờ đến tháng tám, tháng chín mưa ngâu trút xuống liên tiếp làm cho ruộng mềm ra mới cày để làm tiếp vụ chiêm năm sau. Mình nhớ nhất là những kỳ nghỉ hè sau mùa gặt được chơi nhởi thoả thích trên cánh đồng cang hạn này. Bấy giờ từ rìa làng mình cho đến núi Ngọc Sơn, cả một cánh đồng rộng bao la lúc này chỉ thấy phơi ra một sự khô khát; đất nẻ từng đường nhằng nhịt to toang hoác, cứ nghiêng bàn chân là đút lọt xuống được cả bàn. Rơm rạ được người ta bứt rồi phơi khô ngay trên ruộng, sau đó bó lại đem về làm thức ăn dự trử cho trâu bò khi mùa đông đến, thiếu cỏ. Cả cánh đồng lúc này có thể nói đã trở thành một sân chơi cực lớn cho lũ trẻ chúng mình. Chiều nhạt nắng, khi có ngọn gió nồm thổi lên mát rười rượi thì bảo nhau đem diều ra thả. Mỗi đứa mỗi chiếc, diều đứa nào làm đúng quy cách thì mới bay lên được cao, ngược lại làm sai quy cách thì dù đâm, dù chạy, hay vừa đâm vừa chạy để lấy gió cũng bằng thừa. Phần nhiều sai quy cách là do làm khung diều không cân xứng, hoặc khi dán giấy vào khung diều đã vô tình làm diều bị lệch nên hứng gió vào hai cánh không đều bằng nhau, gặp trường hợp này diều có lên cũng cứ bị chao đảo hoặc xoay chong chóng rồi đâm nhúi xuống đất, tức lắm. Đứa nào đó mà dán được con diều bay lên cao là tự hào lắm, vênh vang có vẻ ta đây lắm. Chán chơi diều rồi thì chuyển sang chơi đá bóng. Bóng thì có bóng cao su, bóng nhựa, hoặc bóng bằng quả bưởi phơi héo đi đều đá được tuốt. Hai cọc gôn thì cắm que rồi cởi áo bặn lên làm mốc. Ngán bóng lại chuyển sang chơi ù muỗi, ù câm. Có hôm còn ngỗ ngược chơi cả cầu hồn, làm giả lên đồng trông cứ như bị ma ám thật rồi cầm roi trâu đuổi quất, doạ đám con gái non gan chạy tán loạn, khóc nháo nhác khắp đồng. Chăn trâu vào dịp này phải nói là khoái nhất. Dắt trâu ra đến mép đồng, gài giây mũi lên sừng nó, thế rồi thả cho trâu tự do đi tìm cỏ mà gặm, còn người thì rủ nhau chơi đủ thứ trò. Một dạo học làm người lớn bằng cách rủ nhau dựng những túp lều tranh nhỏ xíu trên bãi tha ma để vào ngồi tránh nắng, tránh mưa. Cứ bốn năm đứa chung nhau làm một chiếc. Đứa thì góp tre, đứa thì góp nứa, đứa thì bứt rạ đánh tranh để lợp. Lều làm xong cả lũ ùa vào hết ngồi lại nằm rồi cùng tuôn ra đủ thứ chuyện trên đời. Hết ngày này sang ngày khác cứ vui chơi một cách hồn nhiên như thế. Thấm thoắt hè vãn, những túp lều được xem như hết tác dụng, bởi lúc này trâu bò cũng không thể thả trên đồng nhà được nữa, vì đồng sẽ cấy lúa, cả bọn liền giơ tay ra quyết định châm lửa đốt lều. Nhìn ngọn lửa bốc cao cháy rừng rực cả bọn cứ nhảy cẩng lên mà reo mừng một cách khoái chí. Một trò đốt lửa khác cũng rất được cả bọn thích thú, ấy là nhặt những miếng phân bò, phân trâu bị nắng phơi khô đem đốt cho cháy âm ỉ. Có hôm đi nhặt phân khô gặp phải một ổ rắn họ, chúng toá ra một bầy rất nhiều, lại có ý trườn lao tới tấn công, làm cả bọn sợ đến tái mặt, phải bỏ chạy tán loạn. Nhưng không phải khi nào lũ trẻ bọn mình cũng vui vẻ với nhau thế cả đâu. Lắm hôm nội bộ cũng đã xẩy ra xung đột quyết liệt đến mức hót cả phân trâu mà ném vào mặt nhau thẳng thừng, chỉ bởi vì do chọn bạn, kết phe, rồi ganh đua khích bác lẫn nhau đẫn đến sự đấm đá. Tuy nhiên, xung khắc của tuổi mục đồng thường như những trận mưa bóng mây mùa hạ, cứ ào ào chốc lát rồi tan biến ngay, không để lại ấm ức và dấu vết gì cả. Vì vậy mà theo năm tháng thời gian, những kỷ niệm đẹp một cách hồn nhiên ấy cứ khắc đậm trong tâm thức mình để bây giờ mình viết lại những giòng ký ức này.
Đấy là những trò vuỉ trong mùa khô. Còn mùa mưa lũ thì khoái nhất là đi đơm chim. Đồng đất quê mình chỉ cần mưa giông liên tục vài ngày là nước đã ngập trắng băng. Đứng ở rìa xóm nhìn ra cánh đồng làng lúc này chỉ thấy toàn nước là nước, nước mênh mang trải một màu trắng bạc, may ra chỉ còn những bãi tha ma hay những gò đất nào cao thì mới chòi lên trên mặt nước được tí chút. Những nơi đó chính là những nơi duy nhất bầy chim trời thường sà xuống đậu để bắt mồi. Mình đã thành thói quen, thấy trời mưa lâu lâu là biết chắc chắn thế nào đồng cũng sẽ ngập nước, vì vậy biết dặn mẹ đi chợ mua cho mấy đồng tiền nhựa dính về để đi đơm chim. Chợ mùa mưa nhựa đơm chim bán đầy. Làm bẩy đơm thì đơn giản, chỉ cần vài ba thanh giang chẻ ra rồi vót thành những chiếc thẻ cực mảnh, quấn vào xung quanh thẻ một lớp nhựa mỏng, xong đem ra đồng cắm rải rác ở những chỗ cồn cao hoặc gò đất nổi lắp xắp, chủ yếu là những chóp mộ không bị nước ngập. Nhưng cắm thẻ nhựa cũng phải biết cách nghi trang thế nào cho thật khéo léo, đánh lừa được lũ chim thì chúng nó mới mắc bẫy, không kín đáo, để bẫy hớ hênh thì chúng chẳng dính nhựa cho đâu. Chim trời chúng cũng tinh ranh và khôn ngoan lắm. Có lẽ hồi hộp và sướng nhất trong trò đơm chim là giây phút nhìn thấy chim bị mắc nhựa. Đứng đằng xa nhìn lại, nếu thấy con chim đang bước thủng thẳng dùng mỏ bắt mồi, bỗng tự dưng nhảy vọt lên một cái rồi lăn ra giữa đất, hai cánh đập liên tục là nó đã dính bẫy, chỉ việc đến bắt. Đó là đơm lũ chim có tên là chim choắt choắt. Còn đơm chim nhạn thì lại khác. Loài chim này thường đớp mồi khi đang bay, vì vậy thẻ nhựa được cắm vào hòn đất nhô lên tí xíu trên mặt nước, và buộc một con dế nhỏ cho bơi xung quanh, chim thấy chú dế đang bơi liền lao xuống đớp, thế là dính bẫy. Nhưng loài chim này rất khó đơm được, vì mắt nó rất tinh, phân biệt thật, giả rất giỏi. Còn đơm cò hay đơm cói thì thường lại phải dùng mồi nhử bằng cá rô hoặc con nhái bén đang sống, và phải cắm thẻ nhựa ở các trộ nước chảy, nơi vắng người. Đơm hai loại chim này càng khó, phải công phu và kiên trì may ra mới hòng bắt được chúng. Riêng chim én cũng có nhiều cách đơm. Phổ biến nhất là dùng én mồi được gọt bằng gỗ mà hình thù trông giống như én thật, hoặc là dùng én thật thì càng tốt. Én mồi buộc cho đậu tại chỗ trên những cọc tre hoặc cành cây nhằm cám dỗ lũ én đang bay sà xuống đậu vào những cọc tre hoặc những cành cây bên cạnh đã cắm sẵn các thẻ nhựa mà mắc phải và rơi xuống đất. Trong các loài chim thì chim én là loài dễ đơm nhất nên thường cũng đơm được nhiều nhất. Thịt loài chim này cực kỳ thơm ngon, nhất là khi được nướng lên rồi đem quay với dầu mỡ, có tẩm ít gia vị như chanh ớt nữa thì có thể nói là ăn…chết cơm...
Nguyễn Viết Hoài