VÂN CHÀNG VIỆT NAM

   Nghề thủ công nói chung và nghề rèn đang mai một dần trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy vậy hiện nay nhiều làng rèn ở Việt Nam đang thay đổi để tồn tại và phát triển. Nghề rèn sắt của Việt Nam có từ thời Vua Hùng và tiêu biểu nhất là Cổ Loa Hà Nội. Người Hán xâm lược nước ta, ép dân ta phải mua đồ sắt của họ và làm thất truyền các bí kíp nghề rèn của người Việt. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với các cư dân làng rèn Vân Chàng  các làng rèn tiêu biểu của Việt Nam. Tài liệu chúng tôi sưu tầm trong thư viện sách về nghề rèn Việt nam. Tuy vậy sẽ có nhiều điều chưa đầy đủ rất mong các quí vị nhuận sắc và hiệu đính thêm cho chính xác và phong phú.

 

LÀNG RÈN VÂN CHÀNG VIỆT NAM

 

    Từ một làng rèn Vân Chàng Hồng Lĩnh đã phát triển thành ba làng rèn ở Việt Nam : Vân Chàng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Vân Chàng Nam Trực Nam Định và Vân Chàng Sài Gòn. Như vậy ta có thể gọi chung là làng rèn Vân Chàng Việt Nam.

    Núi Hồng Lĩnh có nhiều quặng sắt. Truyền thuyết kể rằng Ông Đùng dạy dân Vân Chàng đào quặng trên núi Hồng Lĩnh để về luyện thành sắt. Hiện nay các nhà khảo cổ đã phát hiện ra khu lò luyện sắt ở Xuân An Nghi Xuân. Như vậy khu vực núi Hồng Lĩnh thời xa xưa đã từng là một khu luyện và rèn sắt rất phát triển.

   Làng rèn Vân Chàng Hồng Lĩnh theo tương truyền có từ thời Lý. Chiến tranh, thiên tai lũ lụt và thời gian đã làm thất lạc các tài liệu của làng ta. Tài liệu chính sử có ghi chép đầy đủ về nguồn gốc và sự xuất hiện của làng rèn Vân Chàng. Sách Đại cương Lịch sử Việt nam, tập I (Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn - Nguyễn Cảnh Minh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2000), trong mục viết về kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp của Đại Việt ở thế kỷ XIII đầu X, thời Trần - Hồ có ghi: “Vào thời Trần, nghề rèn sắt đã phát triển mạnh, hình thành nhiều làng nghề chuyên nghiệp. Ở các phủ Diễn Châu, Nghệ An có hai làng Tùng Lâm ( Nho Lâm ) và Hoa Chàng... Vào cuối thế kỷ XIV, nghề luyện sắt từ Hoa Chàng (nay là Vân Chàng, Hà Tĩnh) truyền ra phía Bắc lập làng rèn Hoa Chàng mới (nay là Vân Chàng, Nam Định).

     Các nhà nghiên cứu lịch sử xứ Nghệ bước đầu cho rằng Vân Chàng  nằm trong phạm vi kinh đô đầu tiên của nước Việt Thường. Sau đó kinh đô chuyển ra Phong Châu Phú Thọ. Nếu thế thì làng Vân Chàng có từ thời Vua Hùng. Tuy nhiên đây đang là giả thuyết, cần có các tài liệu chính xác để chứng minh.

Theo các sách : Thần tích Việt Nam, Lệ làng việt Nam, Nghề và làng nghề truyền thống ở Nam Định, Địa chí Nam Định, Văn hóa Nam Trực - cội nguồn và di sản cùng Thần phả đình làng Vân Chàng và thơ ca truyền miệng của làng Vân Chàng Nam Giang thì vào năm Thiệu Phong thứ nhất đời vua Trần Dụ Tông (1344) có sáu ông là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận, Đỗ Bào quê ở Nhà Chàng ( Hoa Chàng ) huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang xứ  Nghệ An chuyên gánh lò bễ đi khắp nơi để rèn nông cụ. Một hôm sáu vị đến vùng đất thuộc huyện Tây Chấn phủ Thiên Trường thấy nơi đây phong thủy hữu tình, đồng ruộng hoang vu, rộng bao la bát ngát mà dân cư thưa thớt nên đã dừng chân ở lại, đem tiền của để chiêu mộ nhân dân dựng làng lập ấp, lấy tên làng cũ của mình mà đặt cho vùng đất mới là làng Hoa Chàng (nay là làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang). Năm Quý Sửu (1373), đời vua Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh 2, sau khi truyền dạy nghề cho người dân nơi đây, sáu vị tổ lại trở về quê cũ làng Hoa Chàng (Hà Tĩnh) tiếp tục truyền dạy nghề rèn. Để tri ân công đức của các ông tổ nghề, nhân dân địa phương đã đặt tên làng là Hoa Chàng - quê gốc của các vị Tổ sư (đến thời Nguyễn đổi thành làng Vân Chàng); lập đền thờ tôn làm: Phúc thần - Lục vị Tổ sư - Đương cảnh Thành hoàng và lấy ngày 15 tháng 11 âm lịch là ngày sáu vị Tổ sư từ làng Vân Chàng Nam Giang về lại quê Hồng Lĩnh Hà Tĩnh làm ngày chính kỵ.

      Hiện nay, tại đình làng Vân Chàng Nam Giang còn lưu giữ 6 đạo sắc phong được ban tặng dưới triều vua Khải Định 9 (1924), các đạo sắc phong đều có nội dung ca ngợi công lao của sáu vị tổ và phong sáu vị là Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.
   Ngoài các đạo sắc phong, tại đình làng Vân Chàng Nam Giang  còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công lao và sự nghiệp của Lục vị tổ sư. Tiêu biểu nhất là câu đối treo tại gian giữa  tiền đường có nội dung như sau:

“Vạn vật khúc thành thông biến nghi dân chi tổ

Bách  thế bất sĩ khai vật thành vụ chi sư”.

Dịch nghĩa:

Tạo thành vạn vật, thông suốt biến hóa làm tổ của dân

Trăm đời trông cậy, rèn đúc vật dụng, thành thầy dạy nghề.

 

  Những ghi chép trong sách Đại cương Lịch sử Việt Nam về nguồn gốc và thời điểm xuất hiện của làng nghề rèn Vân Chàng đều trùng khớp với tài liệu lịch sử địa phương, nhất là Thần phả làng Vân Chàng Nam Định. Hiện nay, cùng với đình làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thờ Lục vị Tổ sư, ở các địa phương khác là Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh đều có nơi thờ các vị Tổ sư nghề rèn. Ở Hà Tĩnh có hai ngôi đền thờ Tổ sư nghề rèn thuộc phường Trung Lương và làng Vân Chàng phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1945, một bộ phận dân cư ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định chuyển vào cư trú vẫn chuyên nghề rèn cũng xây miếu thờ Lục vị Tổ sư ở nhà 98 đường Bà Hạt, quận 10. Hiện nay, tại ngôi miếu này còn đôi câu đối:

“Tượng quân chung linh, Bắc hữu sùng từ, Nam hữu miếu.

Vân sơn khai thác tiền vi sư biểu, hậu vi thần”.

( Đất đầu Voi gây thiêng, miền Bắc có đền thờ, miền Nam có miếu.

Làng Vân Chàng mở mang, trước thầy dạy dỗ, sau làm thần).

 Một nhóm thợ rèn Vân Chàng theo chúa Nguyễn nam tiến và lập nên làng rèn ở xã Hoài Hương huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Thợ rèn Vân Chàng đến nhiều địa phương trên cả nước và định cư, mở mang nghề rèn ở đó tạo nên uy tín lớn cho làng rèn Vân Chàng Việt Nam.

scrolltop