Làng rèn Hoa Lang-Hiền Lương tỉnh Thừa Thiên Huế

 

  Làng rèn Hiền Lương xưa gọi là làng Hoa Lang, thuộc  huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Theo nhà sử học Dương Văn An, tác giả sách Ô Châu Cận Lục, làng Hoa Lang được thành lập khoảng năm 1555 dưới thời nhà Mạc, là một trong 53 xã của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong thời bấy giờ. Đến đời vua Minh Mạng 1820 do phạm húy tên Bà Hồ Thị Hoa vợ Vua nên làng đổi tên là Hiền Lương. Sau cách mạng tháng 8 - 1945, tổng Hiền Lương đổi thành xã Phong Nhiêu, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau ngày giải phóng 1975 làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho đến ngày nay. Làng Hoa Lang- Hiền Lương là làng rèn nổi tiếng nhất miền trung.

Trong các nhân vật tiền bối về nghề rèn làng Hiền Lương các bộ sử của triều Nguyễn, gia phả họ Hoàng ở làng Hiền Lương đều ghi rõ Cụ Hoàng Văn Lịch là người có tài đặc biệt về nghề rèn và cơ khí, làm gương cho một số người ở làng Hiền Lương học tập, nối nghiệp ông phát triển nghề rèn ở Hiền Lương và trở thành những người thợ có tiếng đương thời. Gia phả họ Hoàng ghi: Cụ Hoàng Văn Lịch sinh năm 1774, mất năm 1849, thọ 75 tuổi. Dưới thời Gia Long, ông làm việc ở đội Thạch Cơ (máy đá). Thời Minh Mạng ông được thăng Chánh Trị sự kiêm quản Võ khố Đốc công sự vụ, đã từng chế tạo ra mấy chiếc thuyền chạy bằng máy hơi nước giống kiểu tàu của Pháp mà vua Gia Long mua về. Vua Minh Mạng sau khi xem tàu chạy thí nghiệm đã thưởng cho ông Hoàng Văn Lịch một cái nhẫn pha lê khảm vàng, một đồng tiền vàng lớn. Ngoài ra, đốc công và thợ được thưởng chung 1.000 quan tiền. Thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), ông được phong Chánh Giám đốc kiêm quản Bá Công Tượng cuộc. Sau đó, ông được phong tước Lương Sơn Hầu, và là người  được coi là vị thuỷ tổ nghề cơ khí đầu tiên của Việt Nam.  

Ảnh : Những chiếc tàu hơi nước do thợ rèn Hiền Lương chế tạo.

 Một người thợ rèn ưu tú thứ hai của làng rèn Hiền Lương là ông Trần Văn Đắc, ông được các triều vua Nguyễn phong tặng bằng sắc về công trạng trong nghề rèn và cơ khí như bằng sắc của vua Minh Mạng năm thứ 10 (1829); Tự Đức thứ 8 (1855) và Khải Định thứ 6 (1921). Thời vua Minh Mạng, ông làm việc ở một đơn vị lính thợ, thuộc Nhà Võ khố của triều đình, nhờ có tay nghề cao, được phong hàm Chánh Cửu phẩm, giữ chức Tượng cục - coi lính thợ. Thời Tự Đức được thăng hàm Chánh Bát phẩm và lên giữ chức Chánh Ty Tượng suất nội cuộc nhơn đẳng - đứng đầu ty lính thợ. Thời vua Khải Định, ông được truy tặng Minh nghĩa Đô uý. Điều đặc biệt hiếm có trong thời đại phong kiến, là những người con nổi tiếng của làng rèn Hiền Lương có công lớn trong phát triển nghề cơ khí, nghề rèn được phong đến tước Hầu, nhưng không phải xuất thân từ khoa bảng, mà chỉ là những người thợ có bàn tay vàng được tôn vinh, quý trọng. 

Tổ sư dạy nghề cho làng là ngài Tây Nhạc Thiên Kim Thuận Đế, sau được gia phong Thái Lợi Chi Thần. Nhờ có nghề Rèn mà người Hiền Lương bôn tẩu đi làm ăn, làm giàu khắp nơi. Đến ở đâu người Hiền Lương cũng quây quần bên nhau rồi lập nên Hàng Kỉnh nhằm bảo lưu, giúp đỡ, truyền giữ các nghề rèn truyền thống, dần dần trở thành một tổ chức nghề cơ khí khá chặt chẽ. Hàng Kỉnh là một dạng của hiêp hội ngành nghề ngày nay, nhưng đầm ấm, tình nghĩa hơn vì đa số thành viên đều là con dân, dâu rể của nghề rèn Hiền Lương. Hằng năm, chánh giỗ Tổ sư được diễn ra tại Tổ đình nghề Rèn vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, người ở xa không về được thường họp nhau ở nhà Kỉnh trưởng để tưởng niệm, dâng hương bái vọng về cố thổ.

    Trải qua mấy trăm năm người dân Hiền Lương vẫn nghiên cứu, truy tìm, nhưng chưa biết chắc vị Tổ sư nghề Rèn thuộc về họ nào, húy là gì? Năm 2005 làng Hiền Lương mới tìm được ông tổ truyền dạy nghề rèn cho làng là Tiên tổ Lê Tuấn Thi. Ngài xuất thân ở làng văn vật Mậu Tài huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, rất giỏi nghề rèn. Ngài đã được triều đình nhà Nguyễn ban thưởng vì giỏi huấn luyện thợ rèn, có công với nước. Ngài đã lấy vợ làng Hiền Lương và truyền dạy nghề rèn cho cư dân làng này. Tại làng Mậu Tài ngày kỵ của ngài là 18 tháng 2 âm lịch, và làng Hiền Lương lấy ngày 19 tháng 2 là ngày giỗ tổ thợ rèn. Tháng 1 năm 2007 làng Hiền Lương khởi công xây Tổ đình nghề rèn khang trang bên bờ sông Bồ. Đến nay nghề rèn Hiền Lương đã bị mai một dần, số lò rèn tại làng còn rất ít. Đa số bà con thợ rèn tỏa ra khắp miền trung lập nên các Hàng Kỉnh để hành nghề rèn. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang có dự án kết hợp du lịch làng nghề để khôi phục lại nghề rèn trên chính quê hương Hoa Lang – Hiền Lương.

scrolltop