Tiên Sơn là ngọn núi đẹp, nằm giữa làng rèn, dưới chân núi là quần thể Chùa Tiên, giếng Tiên, đền Thánh Thợ rèn và đình làng. Tiên Sơn gắn với truyền thuyết, ông Đùng là người đã đắp nên núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn, trong đó ngọn cuối cùng bị đứt gánh, một đầu rơi xuống thành núi Ngọc Sơn (phường Đức Thuận), một đầu thành núi Tiên bây giờ. Để tri ân ông, nhân dân đã xây nên đền Tiên trên đỉnh núi Tiên, trước đền từ xưa đã có một bàn cờ Tiên bằng đá xanh nguyên khối.
Huyền thoại còn kể rằng, có người con trai lên núi Tiên hái thuốc về chữa bệnh cho cha, nhân gặp và xem Tiên đánh cờ, mới chỉ xem một ván, khi trở về thì cha đã mất và đã mãn tang. Tiếc rằng, qua thời gian và chiến tranh, đền Tiên cổ kính linh thiêng đã bị xuống cấp mới được trùng tu, bàn cờ Tiên không còn nhưng thiên huyền thoại về bàn cờ in dấu chân tiên huyền bí vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Trung Lương. Vào các ngày rằm, lễ, tết... tại đền Tiên, miếu Bà Chúa, người dân trong vùng và khách thập phương dâng hương khói, lễ vật thể hiện tấm lòng thành kính với trời đất, thần tiên và với những người đã có công với quê hương, dân tộc. Tình sông núi Tiên Sơn - Minh Thủy là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều bậc tao nhân mặc khách sáng tác thơ ca.
Sông Minh ( Kênh nhà Lê ) được ví là Thanh Long của thị xã Hồng Lĩnh, sông bắt đầu từ ngã ba Minh, nơi hợp lưu với một chi của sông La từ đò Hào xuống rồi đổ ra sông Cả (sông Lam). Cửa sông có cống lớn, người dân gọi là cống Trung Lương. Đây chính là nơi ngăn mặn, giữ ngọt, giữ cho bờ xôi ruộng mật, đồng thời cũng là nơi ngăn lũ. Uốn lượn giữa làng mạc, đồng ruộng của huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh chưa tròn chục km nhưng Minh Giang có thêm ba cái tên: Đò Trai, Bán Thủy, Kênh nhà Lê, để rồi thong dong qua cống Hạ Vàng chảy vào nối với sông Nghèn, sông Hà Hoàng, ra cửa Sót và hòa mình vào lòng biển cả mênh mông.