Ký ức Vân Chàng

Xóm 2 làng Vân Chàng Hồng Lĩnh

 

Làng Vân Chàng ( Tên Nôm là Nhà Chàng ) có thể do những cư dân đi xây dựng kênh Nhà Lê và đường  lên Ai Lao lập nên . Ban đầu  là đồn trại của đội quân binh và phu đào kênh sau đó đất lành chim đậu nhiều người đến ở thành làng . Làng Vân Chàng cũ có từ thời Lý  và tục gọi là làng Chạn.Trước đây chưa có đê La Giang nên năm nào cũng lụt lội. Nhà nào cũng có cái Chạn để khi lụt lội chuyển đồ lên Chạn tránh nước ngập và vì thế làng có tên dân dã là làng Chạn. Ban đầu làng Chạn ở cạnh Đền Nhà Thánh bây giờ. Mùa nắng dân làng Chạn thiếu nước nên dần chuyển về định cư ven sông Đò Trai đoạn từ Đò Trai đến Đò Dè lập nên làng Giới (Trên và dưới). Thời tranh chấp Lê Mạc và Trịnh Nguyễn Hồng Lĩnh là nơi chiến trận khốc liệt. Cánh đồng Bình Lãng được gọi là Đồng Trận. Tiến sỹ Phan Hưng Tạo người làng Ngọc Sơn là quan Đốc Thị thời Trịnh đã hy sinh ngay tại Bình Lãng. Thời đó dân Vân Chàng tản cư hết. Đầu thời Nguyễn mới quay về làng cũ nhưng chuyển về định cư ven sông Bán Thuỷ ( Sông Đò Trai ). Từ thời xa xưa của lịch sử về hành chính làng Vân Chàng (tên cũ là Nhà Chàng và Hoa Chàng) đều thuộc huyện Can Lộc phủ Đức Thọ.


Làng Vân Chàng xưa tương truyền là một làng nông nghiệp, thủ công, mỹ nghệ trù phú... Con sông Minh chảy dọc theo làng và khoảng 50m đến 100 mét có một bến sông. Buổi chiều về trên các bến sông, cảnh sinh hoạt dân gian tấp nập nhộn nhịp, trên bộ dưới thuyền sản vật phong phú, tiếng trẻ nô đùa, tiếng hò tiếng hát, tiếng rao bán sản vật râm ran. Trước đây, làng Vân Chàng có một quần thể di tích đình, đền, chùa với phong cách kiến trúc độc đáo, đầu cổng làng có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Kính. Ấp Kính và ấp Tam Đa  có Đền Hai Làng thờ chung các vị tiên hiền đỗ đạt, các vị có chức tước và các vị cao niên của Giáp Thượng và Giáp Tiền của làng Vân Chàng, ở giữa làng có đền Tích Thiện thờ đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền Trửa ( Trung Miếu ) ở xóm 3 bây giờ thờ Thành Hoàng làng Trà Sơn Cao Các Đại Vương (đền thờ bản xứ chính thần của làng), cạnh đình làng có miếu thờ ông tổ nghề rèn Không Lộ Giác Hải. Phía Tây Bắc giáp với làng Trung Lương có đền Năm Giáp thờ các vị khao bảng, sắc mệnh và lão thọ của 5 giáp : Phúc Lộc Nhì Tả Hữu. Giữa cánh đồng làng giáp với làng Ngọc Sơn có Đền Nhà Thánh ( Văn Miếu làng Vân Chàng ),  đây là nơi thờ các văn nhân sỹ tử của cả làng Vân Chàng. Tại các kỳ thi  những người đỗ đạt  được rước lên đền Nhà Thánh để làm lễ kính cáo với các bậc Nho Thánh, tôn vinh người đỗ đạt, khuyến khích việc học hành thi cử của con em trong làng...


Theo sách Đại Nam nhất thống chí – Tập 2 do Quốc sử quán Nhà Nguyễn biên soạn và Viện sử học- Viện khoa học xã hội Việt Nam  ban hành  ( Trang 170) huyện lị huyện Can Lộc từ   xa xưa  đóng tại Làng Vân Chàng,  đến năm Thiệu Trị thứ hai ( Năm 1842 )  dời đến thôn Cao Xá làng Độ Liêu. Năm Tự Đức thứ 4 ( Năm 1850 ) dời đến Làng Ngoại Can Lộc ( Xã Thiên Lộc ngày nay ), sau này chuyển về làng Trảo Nha tức thị trấn Nghèn . Từ  đường  thiên lý bắc – nam có đường lên Ai Lao, rẽ lên từ Nhà Trạm Độ Liêu theo sông nhà Lê qua làng Bình Lãng, qua Quang Chiêm ngược Hương Sơn. Con đường rẽ vào làng Vân Chàng rộng khoảng 3 mét đi đến bến ải Trung Lương. Từ Trung Lương sang Bình Hồ ( Yên Hồ ) có cầu. Vân Chàng là huyện lỵ trong thời gian dài nên có chợ Huyện. Thời trước chợ Huyện cũ thuộc Vân Chàng, sau này đến năm 1438 thời Lê Thái Tổ lập đồn thuỷ binh tại ngã ba kênh nhà Lê và sông Lam mới cắt đất lập nên làng Minh Lương tức Trung Lương bây giờ.
 

scrolltop