THƯƠNG NHỚ TRE LÀNG

      Những ai từng sinh ra và lớn lên nơi thôn xóm bản làng, mỗi khi xem sách báo bắt gặp các cụm từ “tre làng”, “lũy tre làng”, hoặc giả nghe ai đó thầm nhắc đến những tiếng tre, tiếng trúc thân thương, hẵn lòng sẽ liên tưởng chạnh nhớ ngay đến hình ảnh chốn quê hương rất đỗi thân thuộc của mình. Bởi lẽ ở đó là nơi “chôn rau cắt rốn” gắn với không biết bao nhiêu những kỷ niệm êm đềm mà từ lâu đã từng hằn sâu vào ký ức, trong đó, bóng dáng những lũy tre làng luôn luôn chiếm vị trí hàng đầu; nó sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất, và cũng làm cho lòng ta bồi hồi xao xuyến nhất.

Còn gì sung sướng hơn, những ai xa quê lâu ngày nay mới có dịp trở lại. Dù phía trước vẫn còn một quảng đường nữa, nhưng lòng ta lúc này đã cảm thấy xốn xang bồn chồn khó tả, bởi lẽ, khi phóng tầm mắt vượt qua cánh đồng lúa còn trải vàng dưới nắng kia, ta bắt gặp cái cổng làng rất đỗi thân thương đứng trầm mặc lấp ló khiêm nhường dưới tán tre xanh. Những ngọn tre lúc này cứ chao ngiêng đung đưa trong gió, nhìn từ xa cứ ngỡ như bao bàn tay đang hươ lên vẩy vẩy đón chào ta vậy. Và rồi cũng có gì thích thú hơn, dưới bóng tre trùm mát rượi, ta lại được ngồi lên những chiếc chõng tre, ghế tre hay những tấm thảm tre chơi với nhau ván cờ, trao cho nhau bát nước chè xanh thơm thảo, hoặc cùng chuyền tay nhau chiếc điếu cày tiện gọt bằng những lóng tre thân thuộc làng mình mà phà khói, rồi đàm tiếu bao câu chuyện thế thái nhân tình đây đó gần xa. Tre làng ta, người làng ta ngàn đời nay từng thủy chung gắn bó với nhau là vậy.

Thật khó mà kể ra hết được những câu chuyện cảm động đầy tình đầy nghĩa thâm giao giữa tre và người.

Từ nhiều đời nay, tre với người đã từng chung lưng đấu cật. Tre dang rộng vòng tay dựng thành, kết lũy. Tre ưỡn ngực che chắn cho xóm thôn được bình yên qua không biết bao nhiêu những cơn bão tố cuồng phong. Tre hiến thân làm nên nhà nên cửa. Tre bắc cầu qua sông qua suối kết nối hai bờ cho con người qua lại khỏi cảnh cách chia. Tre cũng là nơi chứng giám sự hẹn hò của bao cuộc tình đôi lứa thương nhau. Hỏi còn gì đáng yêu hơn, thơ mộng hơn khi một đôi trai gái yêu nhau đứng cầm tay trao duyên ngay trên chiếc cầu tre vắt vẻo mà bóng hình họ thì soi lồng xuống mặt nước xanh trong? Đó là chưa kể đến bao công dụng đáng quý khác được đem lại từ tre. Tre nối thành thang giúp người trèo cau, hái quả. Tre làm nên cán cuốc, cán cào và bao vật dụng nhà nông. Tre đan thành nia, thành nong, thành dần, sàng, thúng, mủng…những đồ dùng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Tre là chiếc đòn gánh từng bặn trên vai mẹ ta suốt bốn mùa cùng người lam lũ. Tre còn là chiếc gậy nhỏ cầm tay giúp những ai khi đã bước vào tuổi hoa niên gối mỏi lưng còng. Và trân trọng hơn, xin hãy ngược giòng lịch sử…ta sẽ không quên…bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bao kẻ thù xâm lược khác một thời đã phải kinh hoàng khiếp đảm trước ngón đòn phang vào đầu chúng bởi những chiếc gậy tầm vông được tiện gọt bằng tre? Chúng cũng từng hồn xiêu, phách lạc, điếng người, rợn gáy khi phải đối mặt với cả một rừng cạm bẫy nhọn hoắt chông tre…

Sinh thời, cha tôi và một số người già ở trong làng từng kể: Thời chống Pháp, khi mà cách mạng còn phải hoạt động trong vòng bí mật, chả hiểu sao, quê tôi và nhiều làng quê xứ Nghệ khác một hôm đột nhiên xuất hiện thật nhiều những lá cờ đỏ búa liềm bay phần phật hiên ngang trên đỉnh các lũy tre làng. Bọn thực dân thấy cờ của cộng sản thì vô cùng tức tối. Chúng đã điên cuồng sục sạo truy lùng khắp hang cùng ngõ hẻm cố tìm cho bằng được kẻ treo cờ. Không thấy, chúng liền dã man cho châm lửa thiêu trụi các lũy tre làng tôi nhằm hăm dọa tinh thần người dân quê tôi, chúng hý hững tưởng cứ làm thế là sẽ hủy diệt được tận cùng sự sống. Nhưng chúng nhầm, chỉ sau đó không lâu, dưới đống tàn tro của những lũy tre bị chúng đốt phá, lớp lớp măng non đã lại đội đất mọc lên tua tủa. Những mậm măng nhọn hoắt hình mũi chông cứ hiên ngang mà vươn cao. Và rồi không bao lâu sau, lũy tre làng đã lại đứng lên sừng sững. Lũy tre chẵng những không kém xưa, mà có vẻ còn xanh tươi vạm vỡ tràn trề sức sống thêm hơn. Thật đúng như một câu ca dao xưa đã nói về khí phách của cây tre: "Đã đè thì ắt phải cong. Càng đè xuống thấp càng vồng lên cao”. Tre Việt Nam là vậy. Người và tre làng tôi cũng vậy.

Từ khi công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, bộ mặt nông thôn trên khắp mọi miền quê hương đất nước, trong đó có quê tôi đã có nhiều khởi sắc. Rồi đây, khi chủ trương “xây dựng nông thôn mới” được thực thi và đem lại thành quả lớn lao, tôi khấp khởi mường tượng ra một viễn cảnh hết sức tươi đẹp về những cây tre của làng mình; đó là nay mai dù nhà cao tầng có mọc lên như nấm, xưởng máy, xí nghiệp ống khói có vươn cao đến chọc trời, rồi bao công viên, trường học có rực rỡ muôn màu muôn vẻ…thì, có lẽ chúng cũng sẽ đẹp hơn khi được đứng làm bạn với màu xanh của sự sống, mà màu xanh đó trước hết, và hơn hết vẫn là màu xanh của những lũy tre làng.

                                                                                                                                                                       VIẾT HOÀI

scrolltop