MÁI ĐÌNH LÀNG SO

                                          

 

XỨ ĐOÀI MÂY TRẮNG ….

…LƯU LUYẾN TÌNH AI

 

 

 

 

Ngày Xuân quay lại Xứ Đoài nơi không phải quê hương nhưng bao năm là chốn đi về. Mây trắng vẫn lững lờ bay. Nơi có núi Tản Viên của Tứ bất tử nước Việt. Nơi có mộ Bác Hồ bên dòng sông Đà. Những ai yêu mến ngôi đình làng Việt nếu chưa đến thăm đình làng So, một ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài thì thật đáng tiếc.

    Đình So được khởi dựng từ bao giờ chưa ai rõ, nhưng theo văn bia Tu sáng Hoa đình bi ký hiện còn dựng tại đình, được khắc vào năm Dương Đức thứ 3 (1674) thì đình này được tu bổ và tôn tạo vào năm Quý Mão (1663) thì ngày khởi công tu tạo là ngày 27 tháng 7 năm Quý Mão. Ngôi đình đã trải qua 4 lần trùng tu nữa vào các năm 1743, 1924, 1928, 1953. Quy mô hiện nay của đình là kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ. Riêng nhà Tả văn chỉ dùng để viết văn tế thần. Hành lang của đình được chia cho 28 giáp trong làng, mỗi giáp một gian để làm chỗ hội họp riêng và sửa soạn lễ lạt của các giáp khi ra việc làng. Đình So có một tam quan đẹp, hoành tráng, uy nghi, và có bậc đá 29 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt. Kiến trúc và điêu khắc của tam quan có thể được xem là một mẫu mực về sự cân đối, vừa vững chãi vừa bay bổng thanh thoát.

  

     Làng So tên chữ là làng Sơn Lộ nằm bên sông Đáy, thuộc xã Cộng Hoà huyện Quốc Oai, cách Hà Nội 22 km đường xe máy. Làng nằm cạnh núi Rùa, bên trái là núi Rồng bên phải núi Phượng. Giữa đồng bằng ven sông Đáy và sông Hồng bỗng nổi lên ba ngọn núi. Thế đất sơn chầu thuỷ tụ,  đẹp theo quan niệm phong thuỷ. Đình So thờ Thành Hoàng làng là ba vị Đại Vương có công giúp Đinh Tiên Hoàng ổn định tình hình loạn 12 sứ quân và lên Ngôi Báu. Theo truyền thuyết, mùa xuân năm Canh Thìn (930) ở  hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc ( Bắc Ninh bây giờ ) có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá  nhưng rất hay làm việc thiện. Ông bà vẫn chưa có con trai dù đã ngoài 50 tuổi . Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Ông bà  xuống thuyền xuôi dòng sông Hát ( Sông Đáy bây giờ ). Lúc  thuyền chở ông bà đến  làng Sơn Lộ,  trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập. Có đám mây vàng hướng vào bà Lã mà hạ xuống.  Bà Lã  hoảng sợ sau đó bà có thai. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn 12 sứ quân và lập công lớn.

 

 

  Hội mùa Xuân làng So được tổ chức vào ngày  8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh của các thánh . Ngày hội  làng có một lá cờ to được treo lên sân đình, tiếng trống vang như sấm báo hiệu hội làng bắt đầu . Mỗi Giáp trong làng sẽ cử một gia đình vợ chồng song toàn hiếu hạnh nuôi một con lợn đen tuyền  để tham gia  thi chọn lợn trong hội làng. Gia đình đó ra Đình làng thắp hương khấn và xin chân hương về trình trong ban thờ nhà. Con lợn sau đó được gọi là lợn Anh, nuôi theo chế độ đặc biệt và thiến.  Ngày hội làng 28 lợn Anh của 28 Giáp được đóng cũi đưa ra Đình làng. Trên cũi có cài một tràng hoa Bưởi cài trên cành lá đùng đình ( Vùng này trồng nhiều Bưởi ). Gia đình nào nuôi lợn Anh to nhất, nặng nhất được giải trong cuộc thi của làng sẽ có thưởng. Giải thưởng của làng là gia đình đó được cày cấy không phải nộp thuế trên 3 sào đất cho đến khi có người khác trong làng được giải tiếp theo có số cân lợn lớn hơn. Giải thưởng của giáp là người nuôi lợn được giải sẽ được tặng tràng hoa lợn khi làm thịt. Đây là hoạt động từ ngày xưa của tiền nhân để khuyến khích chăn nuôi. Ba vị Thánh sinh ra và hoá cũng tại làng So quê hương nên không có lễ rước các Ngài mà chỉ có lễ rước Ông Bà thân sinh ra ba Thánh về Đình làng để tế.

  Theo bản thần tích do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thì hội làng mở trong 3 ngày. Buổi chiều là hát cửa Đình cho đến đêm. Ngoài ra còn có thi đấu vật, đánh cờ… vv. Phụ nữ trong làng lấy chồng xa về thăm làng phải biện lễ cúng tiến các Thánh của làng quê mình.

Ngày 10 tháng 7 âm lịch là lễ tế mùa thu. Tế khao quân mừng chiến thắng của ba vị Thánh. Đây là lễ tế rất vui vẻ. Mỗi năm làng cử một Giáp lo mổ trâu tế ở Đình. Trâu tế bỏ hết nội tạng và thui vàng nên gọi là Trâu Trong. Sau khi tế cả làng cùng ngồi lại hưởng lộc Thánh là nguyên cả con trâu. Đêm lễ hội cả làng treo đèn kết hoa xem hát tại sân Đình. Đào kép được mời ở ấp Thái Hà Hà Nội và ở nhiều nơi về hát hầu Thánh thâu đêm.

   

  Ảnh : Trâu Trong - Lễ vật tế mùa thu

Ngày 10 tháng chạp là ngày Thánh hoá làng tổ chức cúng cỗ chay. Các nam thanh niên 18, 19 tuổi được chọn phải tắm rửa sạch sẽ để làm bánh Dày dạo nếp nhân đỗ xanh rang chín giã nhỏ trộn mật mía. Bánh được gói lá chuối. Lễ cúng chay không có đàn hát  và phần  hội, chỉ có lễ cúng thành kính và uy nghiêm.

     Ngày nay lễ hội làng So có thay đổi chút ít nhưng vẫn giữ được nét văn hoá của làng quê bắc bộ. Diễn ra tại một ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài - lễ hội đình So làng Sơn Lộ không chỉ là nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân mà còn là dịp để những người xa quê cùng tụ tập về với gia đình, họ hàng, để được sống trong không khí đầm ấm, yên vui của  quê cha đất tổ, để cùng gìn giữ, tôn vinh những giá trị tinh thần đáng trân trọng của văn hoá làng xã Việt Nam.

 

 

scrolltop