Tín ngưỡng thờ Mẫu là thuần Việt. Tín ngường thờ Mẫu thờ ba vị nữ thần tối cao là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, tín ngưỡng thờ Mẫu còn thờ khoảng 50 vị thần, trong đó có nhiều vị là nhân vật lịch sử, là anh hùng của dân tộc được dân gian thần thánh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… Ngoài ra, có nhiều vị thần không phải là người Kinh mà là người thuộc các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Dao…
Một điểm thú vị khác, đó là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt khác với các tôn giáo và tín ngưỡng khác, đó là không hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà hướng vào thế giới hiện tại, thế giới con người đang sống với những ước muốn hết sức tự nhiên và thực tế về sức khỏe, tiền tài và quan lộc. Đây là cách tư duy thể hiện tính thực tế của con người Việt Nam, và cũng là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại.
Thời xa xưa người Viêt cổ theo chế độ Mẫu hệ. Trong tâm thức người dân, từ xa xưa đã có sự tôn thờ người Mẹ. Mẹ đem lại cho ta chỗ dựa bằng tấm lòng, vào cánh tay của mẹ. Trong rừng sâu những con thú rất dữ tợn, bạo tàn mà vẫn vâng lời mẹ Núi. Sóng, gió có thể hung dữ nhưng phải nghe theo lời mẹ Biển. Từ đó ra đời sự tôn thờ mẹ Rừng, mẹ Nước. Đã có hai mẹ của Rừng và Nước, vậy tại sao lại không có mẹ của Trời và đã xuất hiện thêm mẹ của Trời. Bà mẹ của Trời với chức năng quản lý cõi Thiên.
Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nâng lên một trình độ cao hơn và toàn diện hơn.
Đa số trong các điện thờ hiện nay chỉ có Tam Tòa Thánh Mẫu. Trong đó tượng Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa và hai bên là Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Không có tượng Mẫu Thượng Thiên là do theo quan niệm dân gian Mẫu Liễu Hạnh cũng vốn là con gái của Ngọc Hoàng. Có thể với lý do đó mà Mẫu Liễu Hạnh đồng thời là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu).
Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ lúc đầu là tín ngưỡng của người Việt ở Bắc Bộ, sau đó mở rộng ra khắp các vùng trong cả nước. Đến nay, đã ghi nhận hơn 250 di tích thờ cúng các nữ thần, trong đó số đông được gọi là Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu.
Trong tín ngường thờ mẫu hầu giá đóng vai trò quan trọng. Trong hầu đồng, cung văn là người xướng nhạc và hát chầu văn. Đây là những người có tài nghệ dùng lời ca, điệu nhạc quyến rũ, dìu dắt đưa thanh đồng nhập vào thế giới mê ảo của thần linh bằng những cảm xúc thăng hoa nhất, đó chính là trạng thái lên đồng. Phụ giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng còn có hai hoặc bốn người hầu dâng (tục gọi là tứ trụ), có nhiệm vụ giúp thanh đồng việc dâng hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 vỡ diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị Thánh. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng các thanh đồng không bao giờ trình diễn đủ 36 giá, mà thường chỉ chọn một số giá có nội dung phù hợp với buổi hầu đồng đó mà thôi.
Khi diễn xướng hầu đồng, tuỳ theo ý nghĩa của từng giá đồng mà các thanh đồng thực hiện những điệu múa khác nhau như: múa tay không, múa tung nước thánh, múa ban lộc, múa dâng đèn, múa quạt, múa kiếm, múa kích, múa cung… Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng tùy theo nội dung của từng giá đồng, thường thì nó thể hiện rất rõ đặc tính cũng như nguồn gốc xuất thân của từng vị Thánh trong mỗi giá đồng. Ngoài ra, nó cũng thể hiện phần nào tính cách và thị hiếu thẩm mĩ của từng thanh đồng.